Doanh nhân Nhật thi nhau xây khách sạn tầm trung tại Việt Nam
Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Gần đây nhận thấy nhiều doanh nhân Nhật thi nhau xây khách sạn tầm trung tại Việt Nam vì họ nắm được xu hướng du lịch ở nước ta.
Tình hình này cũng chỉ mới được nhận thấy trong mấy năm trở lại đây, số lượng các dự án đăng ký xây dựng khách sạn tầm trung tăng dần đều qua các năm và chủ đầu tư đều là người nước ngoài, trong đó có sự góp mặt của nhiều tập đoàn lớn của Nhật, phân tích về lý do có thể thấy họ đã nắm bắt được thị hiếu của người dùng về mặt du lịch mà đa phần vẫn là khách nước ngoài hoặc người làm việc tại Việt Nam.
Để rõ hơn về tình hình này, mọi người có thể đọc thêm bài "Đại gia Nhật đua thâu tóm khách sạn tầm trung tại Việt Nam" trên báo VnExpress với nội dung như sau:
Đón đầu xu hướng khách du lịch làm việc từ các quốc gia Đông Á đến Việt Nam, nhiều thương hiệu lớn của Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư vào phân khúc khách sạn tầm trung.
Giữa tuần qua, Tập đoàn Route Inn Group của Nhật Bản vừa chính thức vận hành khách sạn Grandvrio City Đà Nẵng tiêu chuẩn 4 sao. Dự án 400 tỷ đồng này có thể coi là khởi động cho quá trình đổ bộ của tập đoàn khách sạn hàng đầu Nhật Bản vào phân khúc thị trường tầm trung tại Việt Nam.
Tỷ phú Nagayama Katsutoshi - Chủ tịch Hội đồng quản trị Route Inn Group chia sẻ kỳ vọng sẽ mở rộng chuỗi khách sạn và nghỉ dưỡng tại Việt Nam lên đến 50 tổ hợp từ nay đến hết năm 2025. Dự kiến tới ngày 26/5, dự án Grandvrio Ocean Resort Đà Nẵng do đơn vị này đầu tư cũng sẽ được khai trương và năm 2018 sẽ mở thêm một dự án tại Huế.
Theo thông tin từ Nikkei Asian Review, Super Hotel - một thương hiệu chuỗi khách sạn của Nhật Bản cũng đã mở 2 địa điểm tại Hà Nội trong thời gian gần đây. Đơn vị điều hành khách sạn và không gian sự kiện Kuretakeso đã mở khách sạn đầu tiên vào năm 2016 và một khách sạn thứ 2 vào tháng 2 vừa qua.
Azumaya Hotel – một thương hiệu chuỗi khách sạn khác đến từ "đất nước mặt trời mọc" được thành lập tại Việt Nam hiện cũng đã xây dựng được 9 cơ sở.
Trong những năm gần đây, phân khúc khách sạn tầm trung tại Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh với sự xuất hiện của nhiều "đại gia" ngoại, trong đó sự hiện diện những tập đoàn khách sạn lớn của Nhật Bản đang có xu hướng ngày càng tăng.
Nhiều thương hiệu lớn của Nhật Bản đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống chuỗi khách sạn tầm trung tại Việt Nam.
Có hai lý do chính dẫn đến xu hướng đầu tư này, nhằm đón đầu sự mở rộng của thị trường với yếu tố khách du lịch làm việc từ các quốc gia Đông Á và tận dụng lợi thế từ việc nắm bắt thị hiếu của khách hàng.
Những năm gần đầy, khách du lịch từ các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, đặc biệt là loại hình du lịch làm việc đang có xu hướng gia tăng. Được thúc đẩy từ sự xuất hiện của các công ty đa quốc gia cỡ nhỏ, những chi nhánh từ các tập đoàn nước ngoài hay những nhân sự có chuyên môn tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, du khách từ 3 quốc gia kể trên chiếm khoảng 67% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2016. Trong khi những khoản đầu tư mới được rót vào Việt Nam tới từ các công ty lớn như Samsung của Hàn Quốc hay các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đang có xu hướng chậm lại thì có khoảng 341 công ty Nhật Bản ở những lĩnh vực khác đã vào thị trường Việt Nam trong năm 2016, tăng 26% so với năm trước đó.
Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản cũng cho thấy, 34% đơn vị được hỏi cho biết họ có ý định mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đây là kết quả cao thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan. Đồng thời, xu hướng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam đã tăng năm thứ 2 liên tiếp, trong khi Trung Quốc và Thái Lan đều giảm.
Tuy nhiên việc lựa chọn hình thức lưu trú đang trở thành rào cản lớn cho những nhân sự này, khi các khách hàng không có nhiều sự lựa chọn giữa những khách sạn xa xỉ với giá từ 200 USD mỗi đêm với những địa điểm bình dân hơn với mức giá dưới 30 USD. Thị trường đang thiếu hụt nguồn cung trong phân khúc khách sạn có mức giá từ 40 đến 100 USD, trong khi nhu cầu đang rất lớn.
Đơn cử như tại Đà Nẵng, xu hướng đầu tư vào khách sạn, dịch vụ lưu trú tại địa phương này gia tăng liên tục trong những năm gần đây, bên cạnh triển vọng du lịch, một phần lý do đến từ việc đón đầu xu hướng thị trường khi việc xây dựng các trung tâm công nghệ cao từ các doanh nghiệp trong nước như FPT hay các tập đoàn lớn từ Nhật Bản.
Tuy nhiên tính đến giữa năm 2016, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng khoảng 530 khách sạn thì riêng khối 1- 2 sao và tương đương đã chiếm khoảng 400 cơ sở.
Một số quản lý khách sạn ở đây cũng cho biết, việc đầu tư tràn lan nhưng không đúng trọng tâm của thị trường đã khiến thị trường phân cực. Một mặt các ông chủ khách sạn quy mô nhỏ tại Đà Nẵng chịu thua lỗ phải rao bán do không có khách hàng, hoặc đầu tư xong bán lại kiếm lời ngay, trong khi ở chiều ngược lại phân khúc khách sạn tầm trung có tiêu chuẩn thực sự 3-4 sao vẫn đang rất thiếu hụt.
Bên cạnh đó, việc hiểu những khách hàng đến từ Nhật Bản là một lợi thế mà những nhà phát triển dịch vụ lưu trú của đất nước "Mặt trời mọc" này có được so với những doanh nghiệp trong nước cùng phân khúc.
Theo thống kê của một số hãng lữ hành, những vị khách Nhật Bản có xu hướng lựa chọn những khách sạn của các tổ chức từ chính quốc gia này vận hành, do những yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe hơn về mặt chất lượng.
Công ty Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị - đơn vị đang vận hành 8 tầng khách sạn Super Hotel Candle tại Hà Nội - cũng cho biết, rủi ro tâm lý khách thuê phòng có tác động tương đối lớn đối với hoạt động của khách sạn, khi một bộ phận lớn khách hàng Nhật Bản - khách hàng trọng tâm chính mà đơn vị này hướng tới, là những khách hàng khó tính hơn so với khách đến từ các quốc gia khác.
Phản ứng trước tin tức này, nhiều đọc giả tỏ ra hứng thú và ủng hộ vì chủ đầu tư hầu hết đến từ Nhật Bản, mong mỏi chất lượng Nhật Bản hiện ở Việt Nam đã có từ lâu, quá chán ngán với thị trường nhan nhản hàng kém chất, hàng giả, độc hại, hy vọng nhiều doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam thay đổi được bộ mặt kinh tế nước nhà.
Thanh Thái
Bài liên quan