Tác hại của công nghệ đến trẻ em
Bé Ken, con của anh Minh năm nay 6 tuổi. Từ nhỏ cu cậu rất mê dùng điện thoại thông minh và máy tính, nhác thấy máy ở đâu là tiếp cận ngay và mày mò cách sử dụng rất nhanh. Vấn đề khiến anh đau đầu nhất là con vớ được điện thoại hay máy tính của bố mẹ lại chỉ thích lên mạng game online đầy cảnh bạo lực, đánh nhau, xả súng ầm ầm. Nhiều hôm đang nằm nghỉ, 2 vợ chồng giật thót tim vì tiếng súng đùng đùng đinh tai từ máy tính bảng, kèm theo tiếng bé Ken chửi bới rất khó nghe: “Má mày, lên đi con”, “Bà nội nó, lại chết nữa rồi”...
"Không biết con học những câu này từ đâu mà mỗi ngày mức độ chửi lại nhiều hơn. Tôi nhẹ nhàng bảo không được, phét vào mông nó cũng không chịu im mà lấy lại cái máy thì con lăn ra khóc". Ông bố trẻ cho biết thêm một vấn đề khiến anh lo lắng là cậu con trai đầu lòng dạo này hay giở chứng hỗn xược, cãi lời người lớn.
Ngặt một nỗi vợ anh chiều con nên hễ thấy bé mè nheo lại cho mượn máy tính chơi suốt ngày. Có hôm anh bực quá tát con mấy phát thật đau rồi quát chửi: “Đúng là con hư tại mẹ. Cháu hư tại bà”. Chị vợ nghe thế đỏ mặt tía tai đáp lại: "Có ngon thì anh đi mà dạy nó đi". Thế là chiến tranh lạnh xảy ra, 2 vợ chồng không thèm nhìn mặt nhau suốt cả tuần.
Nhiều phụ huynh băn khoăn không biết quản lý con sử dụng thiết bị thông minh thế nào cho hợp lý. Ảnh minh họa: News. |
Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh cho rằng, ngày nay việc cho trẻ làm quen máy tính, điện thoại thông minh không còn là chuyện hiếm thấy trong các gia đình, nhất là khi bố mẹ bận rộn không có nhiều thời gian chơi với con. Có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra khi bố mẹ loay hoay quản lý con sử dụng thiết bị công nghệ số. Thậm chí trẻ còn dùng máy để truy cập website đồi trụy mà bố mẹ không biết nên cứ khẳng định chắc nịch "con tôi ngoan lắm".
"Để xảy ra tình trạng như vậy một phần lớn lỗi nằm ở người lớn, những người làm cha mẹ và anh chị. Đôi khi chỉ vì mải mê kiếm sống, họ vô tình quên mất con đang cần được sự quan tâm", ông Thịnh nói.
Như trường hợp gia đình chị Hương (quận Tân Bình, TP HCM), dường như đến hẹn lại lên, hễ gần tới giờ cơm tối là bố mẹ, con cái lại cãi nhau chí chóe. Nguyên nhân cũng chỉ xoay quanh việc cậu con trai không chịu ăn cơm, cứ nằng nặc đòi lấy iPad của mẹ chơi game, trong khi cả nhà đã ngồi vào bàn chuẩn bị ăn cơm.
Bà mẹ trẻ cho biết, cu Tí năm nay gần 4 tuổi, ở tuổi này đáng lẽ nên đi nhà trẻ nhưng ông bà nội sợ bảo mẫu đánh cháu nên cứ khư khư giữ ở nhà. "Khổ nỗi, nhóc ở nhà thì ông bà chăm không xuể, lại than thở. Trong khi vợ chồng mình bận túi bụi với hàng đống việc ở cơ quan chẳng lẽ nghỉ việc ở nhà trông con?". Cuối cùng, nghe theo lời mách của một người bạn, chị Hương mua cho bé Tí một chiếc iPad giúp ông bà đỡ mệt khi không phải thường xuyên để mắt trông cháu.
Từ ngày có máy tính, ông bà nội của cu Tí đúng là đỡ cực hơn. Cũng từ đó, vợ chồng chị Hương cãi nhau thường xuyên hơn. "Thằng nhóc mê mẩn với cái iPad bất kể giờ giấc, không chịu ăn, không chịu ngủ. Bố mẹ lấy lại máy là y như rằng cu cậu khóc ré lên, kêu gào lăn lộn đủ các kiểu. Mình xót quá cũng đành thua thằng con, nhưng chồng khó chịu. Vậy là cãi nhau", chị thở dài.
Trò chuyện với phụ huynh về chủ đề "Giáo dục con thời hiện đại", nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Nhân cho rằng, ngay từ tuổi mẫu giáo trẻ đã hình thành nhân cách, hiểu được thái độ của người xung quanh, đặc biệt là không thích sự ép buộc.
"Do vậy, khi quyết định cho con sử dụng các loại thiết bị điện tử như smartphone hoặc máy tính bảng, bố mẹ nên quản lý thời gian trẻ chơi và các nội dung trẻ truy cập một cách khéo léo. Thông thường, bé sẽ phản ứng tiêu cực khi bố mẹ bắt làm những điều chúng không thích hoặc cản trở thú vui của chúng", bà nói.
Khi giao đồ chơi cho trẻ, cần đảm bảo máy không có cạnh sắc, có thể chịu được va đập vì trẻ rất dễ đánh rơi, đồng thời được cài đặt đầy đủ chương trình học và chơi. Bố mẹ cũng cần thường xuyên kiểm tra báo cáo về hoạt động tương tác của trẻ với máy để hiểu sở thích của con và có cách điều chỉnh hợp lý.
Thay vì cấm đoán, bố mẹ nên hướng trẻ tiếp cận với những thiết bị vừa học vừa chơi, đồng thời phân chia thời lượng học và chơi hợp lý, không nên cho trẻ sử dụng thiết bị công nghệ chỉ phục vụ mục đích chơi mà thôi. Nếu quyết định cho con dùng thiết bị thông minh, cha mẹ không nên sắm những loại máy đắt tiền vì trẻ dễ làm hỏng. Điều quan trọng là chọn loại có màn hình ít hại mắt với những tính năng dành riêng cho trẻ và cài công cụ kiểm soát việc sử dụng của con, quản lý thời gian sử dụng và nội dung truy cập.
"Phụ huynh cũng nên tìm hiểu những phần mềm chặn website xấu, lọc hoặc sắp xếp nội dung phù hợp với trẻ. Khi ấy, bố mẹ sẽ không cần ngồi kế bên theo dõi con hoặc la mắng khi bé chơi quá thời gian hoặc chơi game bạo lực. Việc này sẽ làm tăng tính tự lập cho trẻ, các em cảm thấy mình đã lớn, được tin tưởng và càng có trách nhiệm hơn với những hành động của mình", bà Nhân lưu ý thêm.
Phụ huynh cũng cần thường xuyên dành thời gian ngồi chơi với con để có thể gần gũi, thấu hiểu đồng thời hướng bé vào những nội dung bổ ích. Hơn nữa, qua việc vừa học vừa chơi, bố mẹ có thể khuyến khích con làm điều tốt bằng cách thỏa thuận sẽ tăng thời gian sử dụng máy khi con biết vâng lời, lễ phép.
Trẻ em hiện nay gần như gắn chặt tuổi thơ với những thiết bị công nghệ như thế này, nhất là ở các thành phố lớn. Việc cho con trẻ tiếp xúc với nó cũng không phải là không tốt nếu chúng ta biết cách quản lý và lựa chọn những thiết bị phù hợp. Những đồ chơi mô hình, hay những bộ kích thích trí sáng tạo của trẻ theo dạng vừa học vừa chơi là rất tốt. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng nên quản lý con cái chặt chẽ hơn, tránh để các em tiếp xúc với những trò chơi hay kiến thức không lành mạnh.
Bình Thường