Triển lãm ảnh về Hoàng Sa của nhà báo Nhật

00:01 |
Đó là buổi triển lãm về Hoàng Sa với chủ đề "Cảm xúc Hoàng Sa - Một tình yêu Việt Nam" được nhà báo Nhật Murayama Yasufumi thực hiện trong suốt những ngày theo tàu Việt Nam ra vùng lãnh hải tranh chấp. Những bức ảnh là bằng chứng ghi lại sự ngang ngược của Trung Quốc taị đây cũng như tinh thần kiên cường của những cảnh sát biển ngày đem bảo vệ vùng đặc quyền kinh của nước ta. Ông còn ghi nhận lại những ý kiến của người dân về tình hình biển Đông để hiểu hơn về tình hình, ghi nhận lại cuộc sống của ngư dân khi bị ảnh hưởng của sự việc. Chi tiết blog tin tức Hỷ Diện xin trích từ Vnexpress.net như sau:

Những bức ảnh chân thực ghi ở điểm nóng Hoàng Sa được nhà báo người Nhật Murayama Yasufumi tổ chức trưng bày tại TP HCM.

Sáng 24/7, gần 30 bức ảnh chủ đề “Cảm xúc Hoàng Sa - Một tình yêu Việt Nam” được nhà báo người Nhật Murayama Yasufumi tổ chức trưng bày tại Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2.

Trong những ngày theo tàu Cảnh sát biển ra Hoàng Sa, ông Murayama Yasufumi đã ghi lại nhiều hình ảnh về hành động hung hăng của tàu Trung Quốc khi tấn công tàu chấp pháp và ngư dân Việt Nam. Ông cũng có mặt tại Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM để ghi nhận phản ứng của dư luận, tìm hiểu cuộc sống của ngư dân, những người chịu thiệt thòi trên vùng biển đặc quyền kinh tế của mình.


Ông Murayama Yasufumi chia sẻ với người xem về kỷ niệm của những khuôn hình. Ảnh: Duy Trần.

Bà Dương Thanh Thủy, phó Hiệu trưởng Cao đẳng Phát thanh truyền hình 2 cho biết, tuy là người Nhật nhưng ông Murayama có chung mong muốn như người Việt Nam khi đòi hỏi Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế và hành xử đúng mực đối với chủ quyền Việt Nam. "Hành động ý nghĩa của ông Murayama, một nhà báo nước ngoài cũng sẽ giúp người Việt và bạn bè quốc tế hiểu thêm về tình hình biển Đông thời gian qua", bà Thủy nói.


Ông Murayama Yasufumi bày tỏ, tình cảnh của Việt Nam cũng giống như Nhật Bản khi hai nước thường xuyên bị quấy rối bởi Trung Quốc trên biển nhiều năm nay. “Trưng bày ảnh về Hoàng Sa là cách để mọi việc không bị quên lãng, để dư luận trên thế giới biết thêm về hành vi ngang ngược của Trung Quốc”, ông Murayama Yasufumi cho biết.

Đây là lần thứ 37 ông Murayama Yasufumi, 45 tuổi, trở lại Việt Nam. Để có thể đưa tin, ảnh về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển chủ quyền Việt Nam tới người dân Nhật Bản, ông đã vay tiền của bạn bè thực hiện chuyến đi. Dự kiến, sau khi kết thúc triển lãm tại TP HCM vào ngày 31/7, ông Murayama Yasufumi sẽ tiếp tục trưng bày ảnh về Hoàng Sa ở nhiều tỉnh, thành khác.

Đây là một hành động hết sức cần thiết và ý nghĩa trong bối cảnh tình hình tranh chấp căng thẳng như hiện nay. Nó giúp cho công đồng quốc tế hiểu hơn về sự thật cũng như bản chất của cuộc tranh giành chủ quyền tại biển Đông của Trung Quốc. Ngoài ra, nó cũng thể hiện sự đồng cảm của nhà báo Murayama Yasufumi với người dân Việt Nam vì chính đất nước Nhật Bản cũng đang trong cuộc tranh chấp vùng biển Hoa Đông với Trung Quốc.
Bình Thường

Website về thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn

23:08 |
Một giáo sư người Mỹ đã tự tay thiết kế và lập một website nói về cuộc đời của thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Giáo sư Larry Berman là người đã viết cuốc sách X6 Điệp viên hoàn hảo để nói về những sự kiện trong suốt những năm làm tình báo của ông cũng như những tâm tư trong đời thường. Đây là một hành động thể hiện sự kính trọng của giáo sư đối với một thiếu tướng tình báo vô cùng lỗi lạc của Việt Nam. Chi tiết blog tin tức Hỷ Diện xin trích từ Vnexpress như sau:
Giáo sư sử học Larry Berman ra mắt trang web về Phạm Xuân Ẩn nhằm cung cấp những thông tin, tư liệu quý về chiến sĩ tình báo lỗi lạc của Việt Nam. 

Mới đây, Giáo sư Larry Berman - tác giả cuốn sách X6 Điệp viên hoàn hảo - đã tự xây dựng và thiết kế một website về thiếu tướng tình báo Việt Nam tại địa chỉ perfectspyx6.

Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn (trái) và Giáo sư Larry Berman.

Trong trang web này, người truy cập có thể tìm được những thông tin, hình ảnh về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn cũng như về cuốn sách X6 Điệp viên hoàn hảo bằng cả hai ngôn ngữ Việt - Anh. Các bài báo tại Việt Nam, Mỹ nói về Phạm Xuân Ẩn cũng được Larry Berman tập hợp và đăng tải tại trang web. 

Đặc biệt, tác giả của cuốn X6 Điệp viên hoàn hảo cũng đưa ra nhiều thông tin, kể những câu chuyện thú vị quanh các cuộc gặp gỡ, phỏng vấn giữa ông với Phạm Xuân Ẩn. 

Với việc xây dựng, duy trì trang web, Giáo sư Larry Berman thể hiện tình yêu, lòng kính trọng đối với chiến sĩ tình báo lỗi lạc. Thông qua cuốn sách xuất bản tại Mỹ, rồi phát hành ở Việt Nam, nhiều người đã hiểu và ghi nhận công lao của Phạm Xuân Ẩn. 

Trong tháng 4 vừa qua, Giáo sư Larry Berman đã tới Việt Nam để ký kết hợp tác thực hiện bộ phim truyền hình dài tập về Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn. Phim dài 30 tập, cùng tên sách, dự kiến phát sóng vào năm 2015.

Hẳn trong chúng ta rất nhiều người biết đến ông, một chiến sĩ tình báo vô cùng lỗi lạc trong thời kỳ chiến tranh. Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn đã dành gần như cả thời trai trẻ của mình cho cách mạng. Các thế hệ mai sau như chúng ta cần phải ghi nhớ cũng như phát huy tinh thần chiến đấu bất diệt đó trong thời đại kinh tế mới ngày nay bằng những hành động cụ thể.

Bình Thường

"Xác phàm": tác phẩm hay về lịch sử Việt Nam

18:53 |
Tiểu thuyết "Xác phàm" là một tác phẩm được đánh giá khá hay và lột tả được tất cả những mặt của một trận chiến. Đây là tác phẩm của nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú. Ông là một nhà văn có rất nhiều tác phẩm để lại ấn tượng với nhiều chủ đề khác nhau về cuộc sống và con người. Chính những lần đi thực tế, lắng nghe và ghi nhận mọi thứ xung quanh giúp ngòi bút của ông luôn mang lại sự chân thật trong từng tác phẩm. Và "Xác phàm" là một đề tài về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Chi tiết blog Hỷ Diện xin trích từ Vnexpress.net như sau:

Nguyễn Đình Tú kể câu chuyện khốc liệt trong "Xác phàm" - tiểu thuyết lấy đề tài về cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979.
- Vì sao anh chọn đề tài chiến tranh biên giới phía Bắc làm nội dung cho tác phẩm của mình?

- Tôi có 20 năm cầm bút, đã ra nhiều tập truyện ngắn, sáu cuốn tiểu thuyết, các trang viết phản ánh những vùng đề tài khác nhau. Với một nhà văn phải luôn đi tìm đề tài mới, tôi chọn chiến tranh. Tôi là nhà văn quân đội, bởi thế không thể không quan tâm tới chiến tranh và người lính. Tôi đi công tác nhiều, có khi đi cùng các nhà văn Lê Lựu, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, chứng kiến họ rớt nước mắt trên nghĩa trang liệt sĩ - nơi đồng đội nằm xuống. Thế hệ trước đã vào trận như thế. Thế hệ mình may mắn không gặp chiến tranh nhưng cũng cần phải hiểu về nó. 

Hai cuộc chiến chống Pháp, Mỹ của dân tộc đã có nhiều người viết, có thành tựu, nên tôi chọn cuộc chiến ít người biết, và cuộc chiến gần với mình hơn. Trước đó tôi đã chạm tới đề tài này trong Hoang tâm - viết về chiến tranh biên giới Tây Nam. Những con người trải qua cuộc chiến biên giới còn nhiều, ký ức của họ vẫn còn tươi mới. Nghe họ kể về những gì đã trải qua cũng là một nguồn tư liệu phong phú cho mình khai thác, ngụp lặn. 

Cuộc chiến này ám ảnh tôi từ lâu rồi, vấn đề là khi nào đủ độ chín để viết thôi. Tôi luôn bị thôi thúc bởi ý nghĩ: "Phải viết về cuộc chiến biên giới phía Bắc".

Nhà văn Nguyễn Đình Tú.

- Vậy các nhân vật trong "Xác phàm" có nguyên mẫu hay hoàn toàn hư cấu?

- Các nhân vật đều hư cấu, nhưng tôi nhặt nhạnh chất liệu, các câu chuyện đâu đó ngoài đời sống. 

Khi xây dựng truyện, tôi tính mình phải chọn một thời điểm nhưng nói được diện mạo chung. Trong thực tế, cuộc chiến đó có nhiều hướng: Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn... nhưng tôi chọn hướng Lạng Sơn, chọn pháo đài Đồng Đăng, sử dụng pháo đài ấy như một không gian nghệ thuật gửi gắm nhiều điều trong đó. 

Để xây dựng diện mạo cho cuộc chiến, tôi bắt đầu dựng các nhân vật - là những lực lượng tham chiến.

- Anh có chủ đích gì khi không đặt tên cho nhân vật, địa danh mà chỉ gọi bằng những từ như "Bố anh", "Bố em", "cô mặc áo thiên thanh", "cu lỏi", "pháo đài", "thị xã vùng biên", "bọn Khợ"?

- Các nhân vật, địa danh không cần có tên nhưng đủ sức gọi ra, là kiểu nhân vật điển hình. Trong truyện, tôi chọn nhân vật tiêu biểu đại diện cho các lực lượng tham gia cuộc chiến. Thứ nhất là bộ đội chủ lực, công an vũ trang (bộ đội biên phòng), lực lượng tự vệ (thể hiện qua nhân vật cô bán hàng thương nghiệp gọi là "cô mặc áo thiên thanh"), dân quân (nhân vật trưởng bản Hoàng A Hạng). Cuộc chiến ấy cũng rất thảm khốc qua sự kiện chạy loạn của người dân. Vì thế tôi lấy hình ảnh mẹ con người Hà Nội lên khu mỏ vùng biên giới thăm bố. Cu lỏi may mắn thoát chết, quay lại pháo đài theo lý tưởng: "nếu chết thì hãy để mũi tên bắn trước ngực"...

Những nhân vật ấy không hẹn mà cùng tụ lại trong pháo đài, đánh nhau trong 17 ngày đêm. Họ sống hay chết, linh hồn họ giờ ở đâu, vùi xác trong mảnh đất nào... dần dần các lớp tiểu thuyết sẽ bóc ra.

Bìa tiểu thuyết "Xác phàm".

- Để viết một tiểu thuyết có nhiều yếu tố, dáng dấp của những chuyện từng xảy ra trong lịch sử, anh phải tìm hiểu những nguồn tư liệu nào?

- Tôi tìm đọc sách về chiến tranh biên giới, nhưng có rất ít tài liệu về sự kiện này. Tôi có đọc cuốn của một người Mỹ viết, nhưng ở góc độ lịch sử về tương quan lực lượng, tình hình quân sự chiến trường hai bên lúc bấy giờ. Về mặt thực tế, tôi đã đi lại hướng đường biên từ vùng Đông Bắc, Tây Bắc nhiều lần, tiếp xúc với nhiều người và có những quan sát nhất định.

Sau khi viết xong, tôi quyết định quay lại tuyến đường biên giới một lần nữa để cảm nhận vùng núi rừng; đó là cách kiểm tra lại những cái mình viết ra có đúng hay không, có gì trật không... Sau chuyến đi tôi thấy yên tâm về những gì mình viết, dù đó là tác phẩm hư cấu.

- Lý do nào khiến anh đưa chi tiết chuyển đổi giới tính vào trong một tác phẩm nói về chiến tranh?

- Chọn mở đầu bằng một ca chuyển giới ở Thái Lan, tôi muốn tạo ra nhân vật đặc biệt - một người phi giới tính. Nơi xác phàm ấy trú ngụ nhiều linh hồn. Thời gian anh ta chuyển giới cũng là thời gian các linh hồn kể chuyện, tái hiện cuộc chiến diễn ra trong vòng 17 ngày đêm. Trong các tác phẩm của mình, tôi thường đưa yếu tố hiện thực vào, vì thế các vấn đề về chuyển giới, hay những chi tiết như ăn dương vật sau khi phẫu thuật trong sách cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

- Anh chọn đưa yếu tố đương đại đó vào như một cách viết để gây sự tò mò với người đọc?

- Nếu kể một cuộc chiến mà cứ theo trật tự tuyến tính quân ta dàn trận thế nào, quân địch suy tính ra sao, hôm nay bao nhiêu thương vong, tổn thất, ngày mai ai thắng thì đó là cách làm truyền thống.

Tôi là người quan tâm tới thi pháp tiểu thuyết. Vì thế, tôi chọn thủ pháp diễn tiến hiện tại trộn lẫn với hồi cố. Đề tài chiến tranh không phải là quá "hot", nên phải chọn một cách kể hấp dẫn.

Với cách kể chuyện thật sự hấp dẫn trong "Xác phàm" không những lôi cuốn người đọc mà nó còn in đậm trong tâm trí họ, khắc họa rõ nét hơn sự khắc nghiệt trong chiến tranh. Nó không những có giá trị về mặt văn học mà đó còn là một cách giúp chúng ta gợi nhớ lại lịch sử hào hùng của dân tộc, bồi đắp thêm lòng yêu quê hương đất nước.

Bình Thường

"Tôn Ngộ Không" về lại nơi xưa khi đóng phim

19:41 |
"Tây Du Ký" không chỉ là một bộ phim kinh điển của Trung Quốc mà nó còn là bộ phim có sức ảnh hưởng "ghê gớm" đến các thế hệ trẻ tại Việt Nam. Dường như nó đã in sâu vào ký ức của rất nhiều người trong chúng ta, dù là người già hay trẻ tuổi, có thể xem đi xem lại nhiều lần nhưng cảm giác vẫn nôn nao, hồi hộp như lúc đầu. Và nhắc đến bộ phim nàu chúng ta không thể không nói đến Lục Tiểu Linh Đồng với vai Tôn Ngộ Không. Có thể nói ông là một nhân tố có sức ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của bộ phim. Và sau gần 30 năm, ông đã có dịp quay lại nơi cũ, những địa danh mà đoàn phim đã từng đi qua. Chi tiết blog tin tức Hỷ Diện xin trích từ Vnexpress.net như sau:

"Tôn Ngộ Không" trở lại địa danh đã đi vào những thước phim về Hoa Quả Sơn trong bộ phim kinh điển.


Lục Tiểu Linh Đồng mới đây về lại một số địa danh ở tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) để khảo sát, thảo luận xây dựng Khu thể nghiệm văn hóa Tây du.

Lục Tiểu Linh Đồng trở lại thác nước mình từng đóng phim cách đây 30 năm.

Ông mặc áo in hình chú khỉ.

Lục Tiểu Linh Đồng chia sẻ trên blog rằng, ông cùng đoàn phim Tây du ký tới Hoàng Quả Thụ ở tỉnh Quý Châu vào tháng 10/1984. Giờ đây cảnh vật đã thay đổi rất nhiều. Đoàn làm việc ở đây hơn một tháng. Các cảnh quay thác nước, động ở Hoa Quả Sơn hầu hết được thực hiện ở đây.


Lục Tiểu Linh Đồng chụp ảnh với thiếu nhi địa phương trong chuyến tham quan, công tác.

Diễn viên 55 tuổi trong chuyến về thăm "chốn cũ".


Dù phiên bản Tây Du Ký 1986 được sản xuất khá lâu và lúc đó trình độ kỹ xảo không hiện đại như hiện nay nhưng nó vẫn là phiên bản được yêu thích nhất mặc dù sau này có khá nhiều những phiên bản khác được làm lại. Và đặc biệt là nhân vật Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng dường như là không thể thay thế vì vai diễn của ông là quá xuất sắc, ông đã thổi "hồn" vào nhân vật của mình. Và chắc chắn hình ảnh của ông vẫn sẽ được nhắc đến rất nhiều trong tương lai sau này nữa.

Bình Thường

Tâm sự về cha đẻ "Dế mèn phiêu lưu ký"

21:03 |
Trong ký ức tuổi thơ của chúng ta chắc hẳn có không ít người biết đến tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký". một tác phẩm có thể nói là "bất hủ" trong nền văn học Việt Nam. Nó không những thu hút những người trẻ tuổi mà  ngay cả người lớn cũng phải chú ý khi đọc tác phẩm này. Và đây có thể được xem là tác phẩm giúp chúng ta thấy rõ hơn "thiên tài" của nhà văn Tô Hoài vì khi viết tác phẩm này ông chỉ vừa bước qua tuổi đôi mươi mà thôi. Suốt cuộc đời cầm bút của ông kéo dài hơn 75 năm và ông đã để lại biết bao tác phẩm mang giá trị lớn cho nền văn học nước ta. Chi tiết blog Hỷ Diện xin trích từ thanhnien.com.vn như sau:

Vâng, đó là nhà văn Tô Hoài. Ông vừa qua đời ngày 6.7.2014, hưởng thọ 94 tuổi. Cầm bút từ trước năm 20 tuổi, thành danh nhà văn từ năm 21 tuổi với tác phẩm bất hủ 'Dế Mèn phiêu lưu ký', suốt cuộc đời cầm bút sáng tác liên tục của Tô Hoài kéo dài tới 75 năm, và với những tác phẩm được viết lúc càng cao tuổi lại 'gừng càng già càng cay', Tô Hoài là nhà văn độc đáo hàng đầu trong văn học Việt Nam, cũng là nhà văn hạnh phúc nhất Việt Nam vì vẫn còn viết được những đoạn văn tươi mới lung linh khi đã ngoài 90 tuổi. Đó là một nhà văn bẩm sinh, một người làm nghề suốt đời, chỉ trung thành với một nghề, và không thay đổi: nghề nhà văn, nghề viết.

Trong cuộc đời rất dài của mình, Tô Hoài có những lúc phải làm “thêm” những việc khác, những “nghề” khác, như cán bộ cải cách ruộng đất, như tổ trưởng dân phố, như thường vụ Hội nhà văn Việt Nam… Nhưng Tô Hoài chỉ coi những “nghề” ấy phụ trợ cho nghề chính của mình là nghề viết. Nhờ đi vào cuộc sống từ nhiều tầng nấc khác nhau, nhiều lối ngả khác nhau như thế, nên văn Tô Hoài vừa thực như sờ thấy được, vừa đậm đặc chất đời sống, lại vừa mơ hồ như một thế giới riêng. Đó là nhà văn gần dân tới mức khó gần hơn, mà cũng có thể hiểu tầng lớp quan chức từ trong ruột hiểu ra.

Tôi vẫn nhớ nhân vật Huỳnh Cự (tên thật) mà Tô Hoài mô tả trong tiểu thuyết Ba người khác - cuốn tiểu thuyết luận đề hiếm hoi của Tô Hoài - một nhà văn được xếp vào dòng “nhà văn phong tục”. Khi Tô Hoài tham gia cải cách ruộng đất như một cán bộ cơ sở, nằm trong dân, nhằm “bắt rễ xâu chuỗi”, ông đã sống một thời gian với anh cán bộ Huỳnh Cự, và đã viết về anh cán bộ kiểu “Mao-ít” này một cách không thể sinh động hơn.



Huỳnh Cự chuyên “đao to búa lớn”, chuyên lên gân lập trường, “quyết liệt” tới mức cứ ngỡ như anh này là điển hình cho những cán bộ “đỏ toàn thân”. Ngờ đâu, vào cuối truyện, qua thông báo của Tô Hoài, ta mới biết sau cải cách ruộng đất, sau khi được tin tưởng và thăng cấp chức, Huỳnh Cự lên đường trở về Nam chiến đấu. Và anh ta đã nhanh chóng… chiêu hồi. May cho tôi là khi đọc đoạn cuối tiểu thuyết Ba người khác của Tô Hoài, tôi đã biết chuyện Huỳnh Cự chiêu hồi từ trước đó rất lâu. Số là hồi đi trên Trường Sơn, tôi đã rất nhiều lần được “vinh dự” nghe giọng nói của trung tá Bắc Việt Huỳnh Cự phát trên loa của trực thăng hay C123 Mỹ và Sài Gòn, kêu gọi với giọng quyết liệt “Những cán binh cộng sản Bắc Việt” hãy mau mau chiêu hồi, như… Huỳnh Cự đây! Luận đề của Tô Hoài thật kín đáo, nhưng người đọc vẫn có thể nhận ra.

Nói chung, Tô Hoài là người hồn nhiên nhưng kín đáo, nhiều lúc ngỡ như ông trung dung. Nhưng Tô Hoài vẫn lặng lẽ có quan điểm của mình, chính kiến của mình. Có điều, ông chỉ thể hiện một cách khách quan như một nhà văn xuôi, chứ không lên giọng “chém gió”. Tô Hoài có nổi tiếng không? Quá nổi tiếng! “Tin ông qua đời chỉ trong vài giờ đồng hồ đã thu hút hơn nửa triệu người xem trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt, với hàng chục ngàn người bấm nút Likes, hàng ngàn người tham gia bình luận và hơn một ngàn người bấm nút Shares” (theo BBC tiếng Việt). Nhưng Tô Hoài gần như không quan tâm lắm đến sự nổi tiếng ấy. Ông sống bình dị, như một thường dân, và tôi có cảm giác ông thích nói chuyện với một anh xe ôm biết chuyện hơn là với một nhà văn hay một quan chức “tháp ngà”.

Với Tô Hoài, người đối thoại với ông quan trọng là có biết chuyện, có “hay chuyện” không. Ông lắng nghe rất chăm chú, và ghi nhận rất lặng lẽ. Ông có thể chơi thân với một em bé mắc một chứng tâm thần nhẹ, và em bé đã trở thành bạn của ông, cho mãi nhiều năm sau Tô Hoài, khi viết thư cho tôi, vẫn hỏi thăm về em bé ấy, khi em đã là một người đàn ông hơn 40 tuổi. Do tôi cũng quen với gia đình em, họ lại là đồng hương với tôi, Tô Hoài đã chủ động viết thư cho tôi để hỏi thăm về đời sống của em bé có vấn đề về sức khỏe tâm thần ấy. Chỉ một cử chỉ ấy thôi, Tô Hoài đã chứng tỏ ông là một nhà văn chân chính, một người luôn đặt con người là nhân vật trung tâm cho tác phẩm của mình, và số phận con người là điều nhà văn quan tâm đầu tiên và còn lại sau cùng. Không phải số lượng tác phẩm làm nên nhà văn lớn hay nhỏ, nhưng số lượng tác phẩm được viết một cách nghiêm túc lại minh chứng cho khả năng lao động, cảm hứng lao động, và kết quả lao động của một nhà văn.

Trong cuộc đời sáng tác dài 75 năm của mình, Tô Hoài đã viết hàng trăm tác phẩm. Không phải tất cả những tác phẩm ấy đều là kiệt tác, nhưng trong số đó đã có những kiệt tác. Một người chưa tới 20 tuổi đã viết được Dế Mèn phiêu lưu ký thì phải gọi người đó là một thiên tài. Thử nghĩ xem, năm 20 tuổi chúng ta là gì? Vì sao một người “nhà quê”, không được học nhiều, phải sớm vào đời kiếm sống như Tô Hoài lại có tác phẩm đầu tay được cả thế giới trẻ con, và không chỉ trẻ con, đón nhận như thế? Lâu nay chúng ta có vẻ quá khiêm tốn khi nói về những nhà văn của nước mình. Hôm qua, sau khi nghe tin nhà văn Tô Hoài qua đời, tôi đã gọi điện chia sẻ với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam - một người có khả năng và cơ hội giao lưu nhiều với văn học thế giới đương đại, tôi đã hỏi Thiều một câu: “Thiều đã ra thế giới nhiều, Thiều thấy một nhà văn như Tô Hoài so với văn học thế giới đương đại thì thế nào?”. Nhà thơ Nguyễn Quáng Thiều đã trả lời tôi không do dự: “Em thấy bác Tô Hoài là một nhà văn tầm thế giới”. Tôi nói: “Đúng như thế! Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào vì văn học Việt Nam có một nhà văn như Tô Hoài. Không kể Dế Mèn phiêu lưu ký, những truyện về Tây Bắc, về người Mông của Tô Hoài, trong đó có truyện Vợ chồng A Phủ, có thể xếp vào “Tủ sách văn học thế giới thế kỷ hai mươi” một cách đường hoàng”. Nói như nhà văn Nguyên Ngọc, Tô Hoài là nhà văn người Việt đầu tiên đã “đụng phải” người Mông, và ông đã mê ngay dân tộc kỳ lạ có lịch sử 5.000 năm thăng trầm lưu lạc này.

Nhà văn Tô Hoài và vợ - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Có hai nhà văn người Việt đã viết về người Mông hay nhất, cho tới nay, là Tô Hoài và Nguyên Ngọc. Họ đã có những năm tháng “lưu lạc” vào thế giới người và “thế giới đá” của người Mông, và đúng là họ đã “bị” cả người Mông lẫn cao nguyên đá “hút hồn”.

Tô Hoài là một nhà văn hạnh phúc, dù cuối đời ông phải nằm bệnh viện nhiều tháng do đau bệnh và già yếu. Nhưng Tô Hoài minh mẫn đến cuối đời, sắc sảo đến cuối đời. Và cũng nhân hậu đến cuối đời.

Một số người khi đọc một vài tác phẩm dạng “nhớ đâu kể đấy” của Tô Hoài, đã cho ông là “ác” khi kể lại những chuyện “nhạy cảm”. Riêng tôi nghĩ khác. Sứ mệnh của nhà văn là viết về đời sống, về con người, và không tránh né kể cả những sự thật không dễ chịu. Tô Hoài chỉ là nhớ thật, và viết thật lại những chuyện đã xảy ra thôi. Những chuyện mà ông chứng kiến chứ không phải “nghe kể lại”.

Trước Tết Giáp Ngọ, tôi đã đến nhà Tô Hoài trong một ngõ nhỏ ở Hà Nội, lúc ông phải đi nằm bệnh viện. Tôi để ý lúc hỏi thăm những người hàng xóm buôn gánh bưng về nhà Tô Hoài, tôi đã nhận được sự yêu quí, thân thiện và ẩn cả niềm tự hào của họ khi nói về “nhà văn của ngõ mình”. Đúng Tô Hoài là nhà văn của một xóm nghèo ven đô, của một ngõ nhỏ nội đô với tất cả sự bình dị chân thành. Và ông, quan trọng hơn, là đã và sẽ còn ra thế giới như một nhà văn tầm cỡ. Một nhà văn của “ngõ nhỏ Hà Nội” ra tới những “xa lộ văn chương thế giới” một cách đường hoàng. Tại sao không?

Dù nhà văn đã không còn nữa nhưng những tác phẩm của ông vẫn sẽ còn mãi theo thời gian. Những "Dế mèn phiêu lưu ký" hay "Vợ chồng A Phủ",... vẫn là những tác phẩm bất hủ và in sâu trong lòng rất nhiều đọc giả. Và chúng ta - những thế hệ đi sau sẽ luôn nhớ đến những đóng góp to lớn của ông cho nền văn học nước nhà.
Bình Thường

Trò chuyện với nghệ sĩ Trịnh Kim Chi

19:02 |
Trịnh Kim Chi - cái tên mà hẳn rất nhiều người trong chúng ta đều biết đến, chị là một diễn viên có thâm niên, tham gia rất nhiều bộ phim với nhiều vai diễn khác nhau. Ít ai biết rằng chị là đã từng đoạt ngôi Á hậu Tiền Phong năm 1994 và trong hơn 24 năm theo niềm đam mê của mình, chị đã có những chia sẽ hết sức chân thật về cuộc sống cũng như công việc của mình. Chi tiết blog tin tức Hỷ Diện xin trích từ Vnexpress.net như sau:

Á hậu Tiền Phong 1994 xúc động vì luôn được ông xã chăm sóc, hiểu được công việc bận bịu và niềm đam mê chị dành cho sân khấu, phim ảnh.
- Kết hôn nhiều năm, làm thế nào chị vẫn giữ được sự bình yên và hạnh phúc giản dị của gia đình nhỏ?

- Trong đời sống hôn nhân, vợ chồng tôi luôn tìm cách đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu nhau, giúp nhau cùng hoàn thiện. Không có ai hoàn hảo nên đôi khi phải biết chấp nhận nhau. Hôn nhân của tôi may mắn chưa gặp sóng gió gì. Vợ chồng giận nhau nhiều lắm là một hoặc hai ngày. Ông xã tôi là người rất tâm lý, thương vợ con và rất hiểu cho nghề diễn của tôi. Dù nhiều khi vợ mê công việc bỏ bê chuyện nhà, anh vẫn chăm sóc, lo lắng và ủng hộ vợ hoàn toàn.

Nhưng sống ở đời mà chỉ nương nhờ may mắn thôi cũng không được. Tôi nghĩ hạnh phúc mình có được hôm nay một phần nhờ sự khéo léo sắp xếp, cách cư xử của mình. Hai vợ chồng dù bận trăm công nghìn việc, vẫn cố gắng duy trì bữa ăn tối đầy đủ cả nhà, tranh thủ mọi thời gian để dẫn con đi chơi cuối tuần và chia sẻ những khoảnh khắc bên nhau.

Trịnh Kim Chi hạnh phúc bên chồng và con gái.

- Chồng chị sống ở Mỹ từ nhỏ, nhưng sau kết hôn, vì sao anh lại theo chị về Việt Nam định cư?

- Khi kết hôn, tôi chỉ qua Mỹ ở một thời gian ngắn rồi về. Sau đó, ông xã cũng hồi hương theo. Thứ nhất vì gia đình cha mẹ hai bên đều ở Việt Nam. Thứ hai, với tôi, được về Việt Nam như là "cá về với nước". Tôi được làm nghề diễn viên, được sống trong môi trường hoạt động nghệ thuật quen thuộc mà từ đó mình đã trưởng thành, gầy dựng được tên tuổi. Vợ chồng tôi giống nhau ở tính nhanh nhạy, lăn vào môi trường nào cũng có thể bươn chải và gầy dựng cuộc sống.

- Vì sao gần đây chị đứng ra thành lập hai điểm diễn sân khấu theo mô hình kịch - cà phê dành cho khán giả TP HCM?

-  Giờ là lúc tôi thấy mình có thể làm thêm nhiều việc để nối dài niềm đam mê sân khấu. Nhất là khi mình có hậu phươngvững chắc là chồng và gia đình ủng hộ thì sao mình không làm (cười). Tôi vừa khai trương hai điểm diễn kịch KC ở quận Gò Vấp và quận 3. Chúng tôi trình diễn những vở kịch ngắn từ 45 phút đến hơn một tiếng đồng hồ. Giai đoạn đầu tôi phải bù lỗ để duy trì hoạt động sân khấu. Nhưng tôi tin, theo thời gian, khán giả sẽ ngày càng thấy gần hơn với loại hình này.

Điều tôi vui nhất khi mở được sân khấu là các em trẻ có nơi để thỏa sức sáng tạo, nuôi dưỡng tình yêu với sân khấu. Ngày trước, tôi học 4 năm ở trường ra còn chưa được mời đóng một vai nhỏ. Giờ tôi muốn tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ vừa học vừa làm. Nhìn các em học và có nơi để làm nghề ngay, tôi thấy thật vui.

Á hậu Việt Nam trên phim trường.

- Chị đang là diễn viên của sân khấu Phú Nhuận của NSND Hồng Vân. "Bà bầu" Vân nói gì về sự "ra riêng" của chị?

-  Tôi rất nể chị Hồng Vân. Chị luôn dành cho tôi nhiều tình cảm thương quý. Tôi vẫn là diễn viên ở sân khấu của chị. Nhiều khi bận đóng phim truyền hình quá nên không diễn được vở nào, tôi lại nhớ sân khấu kinh khủng. Sân khấu như có ma lực vậy nó cứ hút mình về phía ánh đèn diễn. Chị Vân cũng hiểu nên mỗi khi tôi vừa có thời gian là chị xếp lịch diễn cho tôi ngay.

Khi tôi mở sân khấu riêng, dù quy mô nhỏ thôi, tôi có bàn trước với chị và chị đóng góp ý kiến rất nhiều. Ngày khai trương chị đến động viên tôi và chỉ dẫn rất chi tiết từng đường đi nước bước trong việc điều hành một sân khấu.

Giờ, không chỉ mở điểm diễn, tôi còn mở lớp dạy diễn xuất, đến nay là khóa thứ hai. Ngoài chị Hồng Vân, tôi được rất nhiều bạn bè, anh chị đàn anh trong nghề như: nghệ sĩ Thanh Hoàng, thầy Trần Ngọc Giàu, biên kịch Nhâm Minh Hiền, anh Hữu Châu, Minh Nhí, Anh Vũ... dành thời gian để chia sẻ kinh nghiệm với các em theo học ở lớp của tôi.

Trịnh Kim Chi tuổi đôi mươi.

- Hơn 24 năm theo nghề diễn viên, chị cảm nhận về những thăng trầm của nghề ra sao?

- Mẹ tôi từng là một nghệ sĩ hóa trang của Đài truyền hình Việt Nam. Sau này, khi gia đình chuyển vào Nam sống, mẹ tôi làm ở hãng phim Nguyễn Đình Chiểu rồi dạy chuyên ngành hóa trang ở trường Điện ảnh TP HCM. Từ nhỏ, tôi học được ở bà sự tận tụy, chuyên tâm và đam mê với nghề mà mình chọn.

Đúng là muốn theo đuổi nghề diễn viên dài lâu thì cần có sức bền. Nghề nào cũng vậy, luôn có những thử thách, chông gai, nhất là đời nghệ sĩ, có thể có người cảm nhận được những tủi hờn hay bạc bẽo. Nhưng với tôi, nếu chấp nhận được chúng thì thấy cũng bình thường. Từ khi vào nghề đến nay, tôi chưa bao giờ quan niệm mình phải cạnh tranh với ai để có được chỗ đứng trong nghề. Tôi ít khi bị đụng chạm với ai. Tính tôi không sân si. Ai muốn làm gì thì làm. Tôi có con đường riêng của tôi. Có những vai diễn tôi bị cướp ngay trên tay mình, tôi biết, nhưng tôi vẫn kệ, tôi không quan tâm. Vì tôi nghĩ, cái gì của tôi thì trước sao cũng của tôi thôi. Mà đúng là như vậy thật. 

- Chị luôn được khen là trẻ đẹp. Bí quyết của chị là gì?

- Dường như tôi luôn có thể điều khiển được con người và suy nghĩ của mìnhthoátkhỏi mọi ý nghĩ tiêu cực. Có điều gì căng thẳng quá xảy ra với tôi thì tôi "tống" ngay chúng ra khỏi đầu. Còn nếu có quá nhiều việc dồn dập thì tôi xé lẻ từng việc ra để giải quyết. Tôi luôn tránh cho mình bị rơi vào cảm giác bế tắc.

Qua những tâm sự trên chúng ta thấy Trịnh Kim Chi là một diễn viên rất yêu nghề và có tâm huyết rất lớn với niềm đam mê của mình. Chị cũng là một người phụ nữ mẫu mực khi dung hòa được niềm đam mê cũng như duy trì cuộc sống hạnh phúc của gia đình. Hy vọng trong tương lai chị sẽ còn thành công hơn nữa với niềm đam mê không mệt mỏi của mình.

Bình Thường

Bê bối cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam

00:16 |
Vụ bê bối của cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam có vẻ vẫn chưa dừng lại khi một thí sinh khác tiếp tục tố ban tổ chức cố tình bán giải thưởng. Sau khi thí sinh Ngọc Bích lên mạng phản ánh và ném giải thưởng vào sọt rác thì mới nhất đây thí sinh Lâm Thùy Anh cũng đã lên tiếng tố ban tổ chức. Có lẽ vụ bê bối trong cuộc thi này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Sự việc chi tiết blog tin tức Hỷ Diện xin trích từ Vnexpress.net như sau:

Sau khi thí sinh Ngọc Bích ném danh hiệu vào xe rác, một người đẹp khác tiết lộ, cô từng được trưởng ban tổ chức rao bán giải nhất với giá 350 triệu đồng.
Các bê bối liên quan đến cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam 2014 đang liên tiếp bị thí sinh vạch ra. Sau hành động vứt bỏ danh hiệu của Trần Ngọc Bích, một cô gái tên là Lâm Thùy Anh tiết lộ với VnExpress về việc được ông Phạm Tuân - trưởng ban tổ chức "Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam" - rao bán giải nhất với giá 350 triệu đồng.

"Tôi đã nói với anh ấy rằng đây là cuộc thi nhỏ nên sẽ chỉ đưa anh ấy 50 triệu đồng gọi là tiền tài trợ thôi. Phạm Tuân đồng ý và chúng tôi đã làm giấy cam kết", cô cho biết. Tuy vậy, sau khi đã đặt cọc 10 triệu đồng và làm giấy cam kết, Thùy Anh được một số bạn bè khuyên không nên tham dự vì "Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam" là cuộc thi từng có nhiều tai tiếng trước đó. Trước thông tin này, cô đã liên lạc với Phạm Tuân và đòi lại tiền đặt cọc. Cô kể: "Anh ấy trả tôi trước 5 triệu và hứa đưa nốt phần còn lại vào ngày 14/7. Giữ phép lịch sự, tôi đồng ý chờ. Đến đúng hạn, tôi không có cách nào liên lạc được", Thùy Anh nói.

Cô gái này khẳng định đến nay vẫn giữ bản cam kết "giao dịch giải thưởng" giữa cô với ông Phạm Tuân.

Còn thí sinh Ngọc Bích, không dừng lại ở việc tố cáo Ban tổ chức "Nữ hoàng sắc đẹp" làm ăn không uy tín, thiếu chuyên nghiệp... mới đây cô còn tiết lộ cụ thể hơn nội dung tin nhắn giữa cô và ông Phạm Tuân. Theo đó, Ngọc Bích khẳng định, ông Phạm Tuân đã dụ dỗ cô tham dự cuộc thi và hứa hẹn đảm bảo cho cô vào top 5. Ngoài Ngọc Bích, một thí sinh khác là Huyền My, cũng đưa ra những lời buộc tội tương tự.

Thí sinh Huyền My (trái) và Trần Ngọc Bích.

Cao Kỳ, người đại diện của Ngọc Bích và Huyền My, cho biết, trưởng ban tổ chức là Phạm Tuân đã nhiều lần gọi điện thuyết phục hai cô gái này tham dự cuộc thi "Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam". Trong những tin nhắn gửi Trần Ngọc Bích và Huyền My, ông Phạm Tuân liên tục nhấn mạnh sẽ đảm bảo cho hai cô lọt vào top 5. Còn việc có đoạt danh hiệu cao nhất không thì phụ thuộc vào thực lực của chính họ.

Người đại diện này chia sẻ thêm về cảm nhận của anh với cuộc thi: "Tôi từng cho các người đẹp của mình tham dự nhiều cuộc thi khác và thấy Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam có những điểm không ổn. Một là, ban tổ chức không thông qua các vòng thi như sơ khảo, bán kết... mà chỉ qua một buổi casting duy nhất để chọn thí sinh vào chung kết. Giám khảo thậm chí còn không nhớ nổi tên thí sinh. Hai là, trong các phần thi chung kết, thí sinh chưa kịp hoàn thành bài thi thì người của ban tổ chức đã thu bảng điểm từ tay giám khảo", Cao Kỳ nói.

Nhà thiết kế Nguyễn Huy - thành viên ban giám khảo - khẳng định, phản ánh của thí sinh Ngọc Bích những ngày qua là đúng sự thật. Nhà thiết kế đánh giá cao phần thi của Ngọc Bích và theo anh ghi nhận, nữ thí sinh cũng nhận được sự cổ vũ lớn từ khán giả và giám khảo trong đêm thi. Nhưng Ngọc Bích chỉ giành được giải phụ.

Về công tác chấm thi, Nguyễn Huy cho biết, anh, nghệ sĩ Hồng Liên, hai người mẫu và một nhà thiết kế thời trang khác được mời tham gia làm giám khảo vòng chung kết. Anh kể, các thành viên chấm độc lập và gửi kết quả về ban tổ chức. Kết quả cuối cùng do ban tổ chức quyết định.

Nguyễn Huy còn tiết lộ, anh và các giám khảo tham gia cuộc thi trên tinh thần hỗ trợ mà không có thù lao. "Cuộc thi này chỉ do một mình ông Tuân đứng ra tổ chức", anh nói.

VnExpress cũng đã tìm cách liên lạc với Phạm Tuân nhưng ông vẫn tắt máy.

"Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam" được tổ chức từ ngày 23/5 đến 13/7 năm nay. Trước đó, đây chỉ là một cuộc thi ảnh. Năm nay, vòng chung kết được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 31 thí sinh.

Hiện nay có rất nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tại Việt Nam nhưng những cuộc thị có chất lượng thì có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thí sinh không đủ chuẩn, ban tổ chức thiếu chuyên nghiệp, tổ chức sơ sài là những điểm mà rất nhiều cuộc thi gặp phải. Và qua vụ bê bối trong cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp thì mong các đơn vị có thẩm quyền cần xem xét kỹ và theo dõi sát sao các cuộc thi nhằm đem lại sự tin tường cho các thí sinh cũng như người xem.
Bình Thường