Những con số "kinh khủng" về thuốc lá tại Việt Nam
Mỗi năm, người Việt Nam tiêu thụ hơn 4 tỷ bao thuốc lá, tăng gấp đôi so với những năm trước 2000. Con số này tăng đều qua các năm do mức tăng thuế quá thấp.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, trong 20 năm qua, Thái Lan đã duy trì được lượng tiêu thụ thuốc lá bình quân một năm là trên 2 tỷ bao nhờ tăng thuế thuốc lá. Việt Nam thì không duy trì được kết quả này, ngược lại tăng rất nhanh từ 2 tỷ bao lên hơn 4 tỷ.
Tỷ lệ hút thuốc của nam giới trưởng thành ở Việt Nam vẫn còn cao (47,4%), tương ứng với 15 triệu nam giới hút thuốc. Con số này ở nữ giới thấp hơn nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới.
Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy độc hơn khói do người hút hít vào. Ảnh: Spot. |
Biện pháp hữu hiệu để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trong dài hạn với cộng đồng là tăng thuế thuốc lá. Theo Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, hiện thuế này của Việt Nam chỉ chiếm 41% trên giá bán lẻ (65% giá xuất xưởng). So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước có mức thuế thuốc lá thấp gần nhất, chỉ cao hơn Campuchia. Thuế thấp nên giá các sản phẩm thuốc lá rất rẻ đã tạo điều kiện để thanh thiếu niên dễ tiếp cận và nhanh chóng trở thành người nghiện.
Bộ Tài chính mới đây đưa ra đề xuất tăng thuế thuốc lá theo lộ trình vào năm 2015 và 2018, cứ mỗi 2 năm tăng 10%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, thì mức tăng như vậy tác động tới tiêu dùng thuốc lá không đáng kể. Mức tăng thuế thấp như vậy thì giá thuốc lá vẫn tăng chậm hơn lạm phát và thu nhập bình quân đầu người.
Bà Phan Thị Hải, Phó chánh Văn phòng cho rằng, phương án đề xuất của Bộ Tài chính giống với đợt tăng vào năm 2006-2008. Tại thời điểm tăng thuế đó, tiêu thụ thuốc lá có giảm đi nhưng không đáng kể, sau đó lại tăng lên và tăng đều cho đến bây giờ.
Vì thế, các chuyên gia đề xuất mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt cần tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015 và có lộ trình tăng lên thành 145% vào năm 2018. Mức thuế này mới đảm bảo giá bán lẻ thực tế tăng cao hơn mức tăng thu nhập, kéo theo sức mua sẽ giảm đi.
Cũng theo Bộ Y tế, mỗi năm người Việt chi đến 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm phải chi thêm 23.000 tỷ đồng để chữa bệnh liên quan đến thuốc lá - chỉ tính 5/25 bệnh có liên quan. Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá rất lớn, không chỉ với bản thân người hút mà cả những người hút thụ động. Nó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu lẽ ra có thể phòng tránh được. Ước tính mỗi năm Việt Nam có 40.000 trường hợp tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, tỷ lệ mắc ung thư phổi trên toàn cầu tăng khá nhanh trong 60 năm qua, tăng hơn nhiều so với các loại ung thư chính khác. Con số này cho thấy sự liên quan mật thiết với việc số người hút thuốc tăng lên. Chỉ khoảng 13% bệnh nhân ung thư phổi sống sót sau 5 năm.
Qua những con số trên thì chúng ta cũng có thể thấy được sự "khủng khiếp" của thuốc lá, không những về mặt sức khỏe mà còn về mặt kinh tế. Có lẽ chúng ta đang lãng phí một số tiền rất lớn vào một việc không mang lại hiệu quả. Hy vọng các cấp chính quyền, cơ quan Nhà nước sớm có biện pháp hiệu quả để cải thiện tình hình hiện nay.
Bình Thường