Tàu ngầm tấn công chủ lực của Trung Quốc ra sao?

17:40 |

Hiện Trung Quốc là một trong những nước có đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, vậy tàu ngầm tấn công chủ lực của họ hiện cụ thể ra sao?

Như chúng ta đã biết qua thì trong nhiều loại tàu ngầm tấn công thì những chiếc chạy bằng diesel là kiểu truyền thống, mới nhất là chạy bằng năng lượng hạt nhân với kích cỡ rất lớn. Loại tàu ngầm tấn công hạt nhân được coi là ghê gớm nhất hiện nay, và Trung Quốc đang sở hữu vài chiếc như thế.

Bàn về những chiếc tàu ngầm Trung Quốc kiểu như vậy đã có bài Át chủ bài của Trung Quốc dưới lòng đại dương được VnExpress đăng tải với nội dung như sau:

Một sáng mùa đông năm ngoái, một tàu ngầm tấn công hạt nhân của Trung Quốc, loại có trang bị đầy đủ tên lửa và được mệnh danh là "thợ săn - sát thủ", nổi lên mặt nước, xuyên qua eo biển Malacca rồi biến mất. Sau đó nó xuất hiện tận vịnh Ba Tư.

Tàu ngầm của Trung Quốc đang nổi trên biển. Ảnh: Asia News

Đây được xem như hành trình đầu tiên của một tàu ngầm Trung Quốc tới Ấn Độ Dương. Trước đó, vào một ngày tháng 12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc triệu tập tùy viên quân sự từ các đại sứ quán tới trụ sở Bắc Kinh. Trước sự ngạc nhiên của những người nước ngoài, phía Trung Quốc cho biết, một trong những tàu ngầm hạt nhân của họ sẽ sớm vượt eo biển Malacca, vùng nước nằm giữa Malaysia và Indonesia.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 9 một lần nữa triệu tập các tùy viên, thông báo việc triển khai tàu ngầm khác tới Ấn Độ Dương. Lần này, tàu sử dụng động cơ diesel và dừng chân ở Sri Lanka.

Trung Quốc hiện sở hữu một trong những đội tàu ngầm chiến đấu lớn nhất thế giới, với 5 mẫu chạy bằng hạt nhân và ít nhất 50 mẫu dùng động cơ diesel, theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI). Đây là kết quả của nhiệm vụ phát triển tàu ngầm hạt nhân của Bắc Kinh, khởi động từ những năm 1960. Ông Mao Trạch Đông từng tuyên bố: "Chúng tôi vẫn sẽ xây dựng tàu ngầm hạt nhân ngay cả khi phải mất đến 10.000 năm".

Bắc Kinh sử dụng tàu ngầm động cơ diesel từ những năm 1950, nhưng chúng dễ bị phát hiện vì buộc phải nổi lên mặt nước vài giờ một lần để "thở". Tàu ngầm hạt nhân nhanh hơn và có thể ở dưới lòng đại dương hàng tháng. Nước này hạ thủy chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên vào đúng ngày sinh nhật của cố chủ tịch Mao năm 1970 và lần đầu thử nghiệm phóng tên lửa từ dưới nước năm 1988.

Trung Quốc chính thức công khai sức mạnh của lực lượng tàu ngầm hạt nhân hồi cuối tháng 10/2013 khi tuyên bố tàu ngầm của họ có thể tấn công tới Mỹ.

Thông điệp gửi đi quá rõ ràng: Trung Quốc đã hoàn thành nhiệm vụ trong bốn thập kỷ của mình, tham gia câu lạc bộ tinh hoa gồm các quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân có thể chinh phục mọi vùng biển, theo Wall Street Journal.

Tiềm năng và hoạt động ngày càng gia tăng của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc tạo ra thách thức quân sự lớn trong khu vực. Việc mở rộng các đơn vị dưới đáy biển không chỉ làm đầy kho vũ khí hạt nhân của nước này mà còn góp phần tăng cường năng lực của Bắc Kinh nhằm hiện thực hóa tham vọng chủ quyền đối với các vùng biển trong khu vực, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ.

ONI nhận định, Trung Quốc sẽ vượt một mốc rất quan trọng trong năm nay khi họ triển khai thế hệ tàu ngầm boomer, lần đầu tiên được trang bị đầy đủ các loại tên lửa hạt nhân hiện đại nhất. Boomer là một từ lóng sử dụng rộng rãi để chỉ thế hệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có phạm vi hoạt động lớn.

Bắc Kinh không hề che giấu vũ khí mới của mình. Khách du lịch có thể nhìn rõ ba chiếc tàu loại này tại cơ sở nằm đối diện một khu nghỉ dưỡng ở tỉnh Hải Nam. Tên lửa của những chiếc tàu ngầm boomer có khả năng vươn đến Hawaii và Alaska từ Đông Á, hoặc chạm tới đất Mỹ từ giữa Thái Bình Dương, ONI cho biết.

Về phía Trung Quốc, "đây là quân át chủ bài khiến đất nước tự hào" và "kẻ thù phải khiếp sợ", đô đốc Wu Shengli, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, viết về đội tàu ngầm tên lửa trên tạp chí của đảng Cộng sản số ra tháng 12. "Đó là lực lượng chiến lược tượng trưng cho sức mạnh to lớn , bảo vệ an ninh quốc gia".

Số lượng tàu ngầm chiến đấu hiện tại và trong tương lai ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đồ họa: WSJ

Đối với chỉ huy hải quân các nước khác, những chuyến đi tới Ấn Độ Dương của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đặc biệt ấn tượng. Chúng chứng minh rằng Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng vươn tới trụ sở chính của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đặt ở Hawaii.

"Họ đưa những thông điệp rất rõ ràng để tuyên bố rằng: 'Chúng tôi là đơn vị hải quân chuyên nghiệp, chúng tôi là một đội tàu ngầm chuyên nghiệp, và chúng tôi xuất hiện trên toàn cầu. Chúng tôi không còn chỉ là một hạm đội ven biển nữa". WSJ dẫn lời phó đô đốc Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, nhận định.

Trung Quốc những năm gần đây nỗ lực mở rộng kho vũ khí quân sự và đạt được nhiều thành tựu như: sở hữu tàu sân bay đầu tiên hay phát triển máy bay tàng hình. Điều này khiến dư luận thế giới chú ý. Nhưng tàu ngầm lại là một khía cạnh hoàn toàn khác, nó đóng vai trò một vũ khí vừa mạnh mẽ vừa mang tính chiến lược: chỉ cần sự hiện diện của một chiếc cũng giúp Bắc Kinh thị uy sức mạnh và ngăn chặn hoạt động của tàu nước khác.

Washington cho rằng tàu ngầm hạt nhân chiến đấu chính là một phần trong chiến lược mới của Bắc Kinh nhằm cản trở Mỹ can thiệp vào vấn đề Đài Loan, hay hợp tác với Nhật Bản và Philippines, hai đồng minh của Mỹ đang kẹt trong cuộc tranh giành chủ quyền trên biển với Trung Quốc.

Đội tuần tra tàu ngầm boomber là nấc thang đưa Trung Quốc sánh ngang cùng Mỹ và Nga, trở thành quốc gia đủ khả năng triển khai vũ khí hạt nhân cả trên biển, trên không và trên đất liền.

Bán kính hoạt động của tên lửa JL-2 trang bị cho tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Đồ họa: WSJ

Với bài báo trên ta lại thấy rõ hơn về một Trung Quốc đang trỗi dậy như một cường quốc về quân sự với đầy đủ các khí tài tối tân nhất, đủ sức đối mặt với bất cứ cuộc chiến tranh lớn nào cùng những quốc gia quân sự mạnh nhất hành tinh, và cũng quá đủ sức để tự gây hấn với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.
Hoan Tử